REVIEW Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ 2019

TRƯƠNG VÔ KỴ – TRIỆU MẪN

PHẦN 1

“Ranh giới mong manh giữa yêu – hận – tình – thù”

Lời đề

Với tôi, Ỷ Thiên Đồ Long Ký luôn là một câu chuyện chưa trọn vẹn, nếu không nói đến ý nghĩa đáng suy ngẫm về dã tâm của con người, tính mơ hồ lẫn lộn của lằn ranh thiện- ác, chính – tà, tinh thần nghĩa hiệp giữa các bậc anh hùng đỉnh thiên lập địa, và lòng yêu nước quả cảm của lớp hào sĩ giang hồ trải dài xuyên suốt khắp 104 hồi truyện, mà chỉ xét riêng “phần tình” thì thú thật là tôi cảm thấy chưa thỏa mãn khi đọc tác phẩm này. Vì vậy, dù cực kỳ thích Triệu Mẫn – nàng quận chúa thông minh toàn tài, một nhân vật điển hình cho hình ảnh phụ nữ tài năng độc lập đầy bản lĩnh chẳng kém mày râu; thì tôi vẫn không hề có ý định viết về cặp đôi Trương Vô Kỵ – Triệu Mẫn.

Tuy nhiên, tôi đã phải thay đổi suy nghĩ khi xem bản phim “Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký” vừa được phát sóng vào đầu năm 2019. Đầu tiên phải thừa nhận bản remake lần này không phải là một lựa chọn hoàn hảo cho các fan-cứng của Kim Dung nói chung và của nguyên tác truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký nói riêng, vì nó thật sự không hề mãn nhãn về phần võ thuật, nhưng khéo làm sao “phần tình” được cải biên trong bản phim này lại vừa ý tôi vô cùng. Vậy nên, bài review này tôi muốn viết dành tặng riêng cho cặp đôi Trương Vô Kỵ – Triệu Mẫn của bản phim Tân Ỷ Thiên Đồ Long Ký 2019, và cũng là một lời cảm ơn dành cho biên kịch phim, người khiến tôi lần đầu tiên cảm thấy Trương Vô Ky thật sự xứng đáng với sự hy sinh của Triệu Mẫn.

***

1550910445769165

Ỷ Thiên Đồ Long Ký là câu chuyện kể về cuộc đời đầy sóng gió của Trương Vô Kỵ từ một cậu bé mồ côi lưu lạc tha hương cho đến khi trở thành vị Giáo chủ trẻ tuổi tài năng của Minh Giáo, nên hầu hết mọi sự kiện và biến cố trong truyện đều lấy anh làm trung tâm để phát triển. Do đó, với tâm lý “đến trước làm chủ”, rất nhiều người cho rằng so với Chu Chỉ Nhược, Ân Ly và Tiểu Chiêu thì Triệu Mẫn là người ít thích hợp nhất với Trương Vô Kỵ  – vì 3 cô gái kia xuất hiện trong cuộc đời của Trương Vô Kỵ sớm hơn cô và thậm chí đều có mối quan hệ với anh tốt hơn cô.

Luận về ấn tượng ban đầu, ta thấy Trương Vô Kỵ lần đầu gặp Chu Chỉ Nhược khi cả hai còn là trẻ thơ tại bờ sông Hán Thủy, Chu Chỉ Nhược lúc này đã chăm sóc và an ủi Trương Vô Kỵ lúc đó vừa mất cha mẹ thân lại mang trọng thương, đồng thời cô cũng trở thành một kỷ niệm vô cùng khó quên trong tuổi thơ của cậu bé Vô Kỵ mệnh khổ. Ân Ly thì là cô gái anh quen tại Hồ Điệp Cốc khi đang trị thương và sau đó 2 người đã gặp lại khi Trương Vô Kỵ bị ngã từ trên núi xuống gãy chân rồi được cô cứu giúp và săn sóc. Còn cô gái trong sáng chân thành Tiểu Chiêu là người được anh vô tình cứu giúp khi lẻn vào Quang Minh Đỉnh.  Điểm chung của cả ba cô gái này chính là vị trí của họ đối với Trương Vô Kỵ đều là “hồng nhan tri kỷ” – và cách mà Trương Vô Kỵ đối xử với họ có thể gói gọn trong 8 chữ dung túng, bảo hộ, nuông chiều, thương tiếc. Nhưng khi xem xét tình cảnh lần đầu gặp mặt giữa Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn mới thấy ấn tượng ban đầu về cô trong lòng anh khác hẳn với 3 cô nàng hồng nhan kể trên. Triệu Mẫn xuất hiện trong cả truyện và phim khá muộn, là thời điểm sau khi kết thúc trận tử chiến “Diệt ma” tại Quang Minh Đỉnh – lúc này Trương Vô Kỵ đã trở thành Giáo Chủ Minh Giáo thân mang võ công tuyệt thế, tay nắm quyền sinh sát vạn người, ở cái vị thế đã đủ tư cách để nhìn xuống người khác như thế, vậy mà khi đối diện cô, anh vẫn phải “cẩn trọng” đánh giá người con gái này bằng thái độ  “anh hùng thức anh hùng – anh hùng trọng anh hùng”, vừa thưởng thức, lại vừa phải đề phòng như một đối thủ tiềm năng đáng gờm. Làm sao anh dám khinh địch khi mà vừa xuất hiện, cô đã chẳng chùng tay “xử lý” sạch sẽ toàn bộ nhóm quân Nguyên hà hiếp bá tánh, cho đến lần thứ hai gặp lại thì cả đám trưởng lão Minh Giáo “ăn muối nhiều hơn ăn cơm” dù đã cẩn thận kín kẽ đến từng đường đi nước bước cũng vẫn chẳng thoát nổi kế hoạch hạ độc vừa tinh tế lại vừa giảo hoạt của một nha đầu chưa tròn 20 tuổi, và khi mọi người vẫn còn đang hoang mang không biết thân phận người vừa chơi mình một vố đau là ai thì cô chốt hạ màn “ra mắt” ấn tượng của mình bằng việc thiêu rụi toàn bộ Lục Liễu Sơn Trang và biến mất không lưu lại dấu vết. Cả 3 việc từ giết người – hạ độc – đốt nhà, đều mang đậm phong cách hành động nhanh – độc – chuẩn cũng đồng thời thể hiện rõ tài liệu sự như thần và một trí tuệ mang tầm thủ lĩnh của người đã nghĩ ra chúng. Vậy mới thấy được ngay từ khi Triệu Mẫn vừa xuất hiện, Kim Dung đã đặt cô ở một vị thế xuất phát cao hơn nhiều so với Chu Chỉ Nhược, Ân Ly và Tiểu Chiêu – cả về khí độ lẫn tài năng, và gây ấn tượng sâu sắc cho người xem về một nàng quận chúa vô cùng thông minh và quyết đoán, là nhân vật mà từ Trương Giáo chủ cùng dàn cao thủ Minh giáo giàu kinh nghiệm cho đến toàn bộ anh hùng hai phái hắc – bạch dù có căm ghét sự tàn độc xảo quyệt của cô nhiều như thế nào thì cũng không thể không thừa nhận năng lực vượt trội cùng tài trí đáng nể của cô nàng ấy.

Luận về số phận, nếu xem xét về bản chất, có thể thấy Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn tuy trải qua biến cố cuộc đời khác nhau nhưng đến cuối cùng cả hai người lại đều rơi vào cùng một hoàn cảnh. Đầu tiên là Trương Vô Kỵ, về đường đời của chàng thiếu niên anh hùng này thì ai từng đọc truyện và xem phim đều đã biết rõ ràng rồi – Trương Vô Kỵ là con trai của Võ Đang Ngũ hiệp Trương Thúy Sơn và yêu nữ ma giáo Ân Tố Tố – con gái của Bạch Mi Ưng Vương, một trong tứ đại hộ pháp của Minh Giáo; đồng thời anh cũng là nghĩa tử của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn và đồ tôn yêu quý của Trương Tam Phong – trưởng môn phái Võ Đang đương nhiệm, kiêm đệ tử chân truyền của Điệp cốc Y tiên Hồ Thanh Ngưu. Với thân phận nửa chính nửa tà, đồng thời là người duy nhất nắm giữ vị trí của bảo vật “hiệu lệnh thiên hạ” Đồ Long Đao, sau cái chết bi thảm của cha mẹ, trong suốt giai đoạn niên thiếu vị giáo chủ Minh giáo tương lai này đều phải ẩn dấu danh tính lang bạt khắp nơi, nhằm trốn chạy khỏi sự truy đuổi của cả võ lâm. Cho đến khi vô tình học được Cửu Dương Chân Kinh và Càn Khôn Đại Nã Di, đánh một trận thành danh tại Đỉnh Quang Minh, rồi thuận lý thành chương nhận chức Giáo Chủ Minh Giáo và tiếp theo là khởi nghĩa kháng Nguyên, thì Trương Vô Kỵ mới nghiễm nhiên trở thành vị tân thủ lĩnh của phần tử yêu nước Hán tộc – trực tiếp nắm quyền thống lĩnh giang hồ đối đầu với triều đình Mông Cổ.  

68874e980a6def644226e9e001195903

Còn về Triệu Mẫn, tức Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ, tuy Kim Dung không kể nhiều về cuộc đời cô trước khi gặp Trương Vô Kỵ nhưng nhìn vào vị thế khi mới xuất hiện, ta vẫn dễ dàng đoán ra được lai lịch cô gái này. Triệu Mẫn, người cũng như tên, cực kỳ linh mẫn, thông tuệ, ngoài thân phận quận chúa Mông Cổ cao quý hiển hách thì còn là một vị “đại sứ ngoại giao” vô cùng khôn ngoan và am hiểu mưu lược. Có thể nhìn thấy rõ ràng sự khác biệt giữa Triệu Mẫn và những cô gái con nhà quyền quý khác, số phận của cô không phải là thứ cuộc sống yên ấm trong nhung lụa và ngoan ngoãn chịu sự bảo bọc của gia đình như đa số quý nữ đồng lứa, mà cô sớm đã được nuôi dạy như nam tử, dạy văn, dạy võ, được tiếp xúc với giang hồ kỳ sĩ ngay từ khi còn là một cô bé (Phạm Dao từng nói – ông đã nhìn Triệu Mẫn lớn lên, tận tay dạy cô từng chiêu thức võ công – trong một xã hội phong kiến vẫn còn đặt nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, việc một vị Vương gia cho phép con gái mình được tiếp xúc với các nhân sĩ giang hồ, còn được học võ cho thấy ông đã sớm nhận thức được trí tuệ ưu việt của con gái mình và tạo điều kiện cho cô phát triển toàn diện cả văn lẫn võ). Và thời gian đã chứng minh đánh giá của Nhữ Dương Vương về Triệu Mẫn là hoàn toàn chính xác khi chỉ vừa mới cập kê, Triệu Mẫn đã có thể tự mình tiến cử, thay mặt cha anh lãnh trách nhiệm thu phục các đảng phái giang hồ tại vùng Trung Thổ – là địa bàn hiểm yếu chạm tay là bỏng đối với triều đình nhà Nguyên. Nàng quận chúa tộc Mông, cứ như vậy dần tự chứng minh bản thân, vận dụng trí tuệ vô song để từng bước thực hiện trọng trách thu phục nhân sĩ giang hồ, thống nhất thiên hạ Nguyên triều  – là loại nhiệm vụ cấp độ “lập quốc – giữ quốc” vốn chỉ dành cho những bậc quyền thần lão luyện, giàu lịch duyệt và am hiểu thuật dùng người. Đồng thời, với tài liệu sự như thần cùng tâm tư cẩn mật, cô cũng khẳng định mình hoàn toàn có khả năng nắm giữ cương vị  “chủ soái” tay nắm quyền binh đại diện triều đình Nguyên thất trong trận đối đầu với đội quân khởi nghĩa Hán tộc do Trương Vô Kỵ dẫn dắt. Trong bối cảnh thối nát hỗn loạn của thời đại, hai vị tân thủ lĩnh của hai phe Hán – Mông, không hẹn mà gặp đều cùng là anh hùng ở độ tuổi thiếu niên, thân mang trọng trách. Bất chấp sự khác biệt về giới tính, hoàn cảnh, xuất thân, tài năng và cả dân tộc, cả hai dường như vẫn có một sự tương thích kỳ lạ về phương diện tinh thần như – tính cách đường hoàng thẳng thắng, tâm hồn tự do phóng khoáng và niềm khao khát được sống theo ý muốn của bản thân. 

0df3d7ca7bcb0a46c5d440336563f6246a60afc2

Tình yêu được mô tả trong các tác phẩm của Kim Dung luôn là những mối tình phải trả giá bằng một sự hy sinh vô tận, đòi hỏi các nhân vật phải vượt qua hoàn cảnh, định kiến, ranh giới chính-tà và cả sự chống đối của thế nhân để bảo vệ người mình yêu. Tuy nhiên, ở Ỷ Thiên Đồ Long Ký, thứ tình cảm giữa Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn không còn là thứ tình yêu day dứt giữa chính & tà bình thường như những tác phẩm khác nữa mà Kim lão gia đã đẩy nó lên một tầm cao mới – là một mối quan hệ bị bủa vây giữa nợ nước – thù nhà, được nhuộm đỏ bởi máu và nước mắt. Là một loại cấm ái đấy kích thích nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, đủ khiến cho người vướng vào không chỉ phải đối mặt với việc mất tất cả, mà thậm chí còn phải mang tiếng phản quốc, phải sống trong nghi kỵ và thóa mạ cả đời, nói vậy để thấy rằng nếu chọn đến với nhau, thứ áp lực tinh thần mà cả Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn phải gánh chịu sẽ không hề dễ dàng. Thử nghĩ mà xem, quan hệ giữa Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn không phải đơn giản chỉ là một người Hán và một người Mông cổ bình thường gặp nhau rồi yêu nhau, mà họ là hai nhân vật đại diện cả hai dân tộc trong trận chiến tranh đoạt giang sơn một mất một còn. Một bên là quốc gia – dân tộc – thân nhân – bằng hữu, một bên là người mình yêu say đắm – chọn bên nào, bỏ bên nào cũng đều là một sự đánh đổi vô cùng đau đớn khắc nghiệt. Vì vậy, căn cứ theo mạch suy luận hợp lý, tôi không tán đồng cách mà các bản phim khác thể hiện Triệu Mẫn theo hướng một cô quận chúa ham chơi, và tùy hứng, ra ngoài du ngoạn rồi sẵn tiện thu phục giang hồ nhân sĩ để học lóm võ công, sau đó vô tình gặp rồi yêu Trương Vô Kỵ rồi bỏ hết tất cả mà theo anh. Như đã phân tích vị thế “chủ soái” cũng như trách nhiệm quan trọng của Triệu Mẫn ở trên, việc để mạch tâm lý của cô phát triển theo hướng đó quá khiên cưỡng và thiếu lo-gic. Do đó, tôi tương đối hài lòng với cách bản phim 2019 thể hiện quá trình phát triển tình cảm một cách tự nhiên vô thức cho đến giai đoạn đấu tranh nội tâm mạnh mẽ để chấp nhận sự thật là buộc phải lựa chọn bỏ-hay-không-bỏ của Triệu Mẫn. Việc làm rõ quá trình này tuy phá vỡ hình tượng một Triệu Mẫn luôn mạnh mẽ và toàn tài không gì không biết trong quan điểm của hầu hết người xem, nhưng nó lại hợp lý về mạch phát triển tâm lý của nhân vật cũng như gián tiếp thể hiện vị thế nguy hiểm và sức nặng của áp lực tinh thần mà Triệu Mẫn đang phải chịu khi lỡ yêu phải kẻ thù.

Có thể nói thái độ của Triệu Mẫn đối với Trương Vô Kỵ trong giai đoạn từ buổi gặp mặt chính thức đầu tiên tại Lục Liễu Sơn Trang cho đến thời gian cô giam cầm lục đại môn phái trong Vạn An Tự, chưa thể gọi là yêu, cùng lắm chỉ là có một chút cảm giác “say nắng” rất con gái trước vị thủ lĩnh trẻ tuổi đẹp trai của Giáo phái sừng sỏ khó chơi nhất giang hồ, chưa kể việc người đó hết lần này đến lần khác tuy bại nhưng không nản, đều tìm được cách phá giải được mưu kế mà cô đặt ra lại càng khiến cô thấy hứng thú hơn với anh. Tuy nhiên sự rung động này vẫn chỉ giới hạn trong “một chút động tâm” nhưng chưa đủ sức ảnh hưởng đến mục đích hoàn thành nhiệm vụ của cô. Qua cách mà vị “Giang Hồ Bách Hiểu Sinh” này đối xử với từng nhân vật trong võ lâm, có thể thấy được Triệu Mẫn là một người rất biết người biết ta, giỏi quan sát, hiểu rõ tính cách và biết cách lợi dụng nhược điểm của từng kẻ địch mà cô phải đối phó để đạt được lợi ích cho mình. Giả dụ như đối với Diệt Tuyệt Sư Thái, người quen biết lâu đều biết bà ta là một người khắc nghiệt, trọng lễ nghi và luôn ác cảm đến mức “cực đoan” với những tên giặc dâm, nhưng Triệu Mẫn – với đôi mắt tinh tường của mình, cô không chỉ hiểu rõ mà còn nhanh chóng tận dụng nhược điểm này của bà ta bằng lời đe dọa sẽ lột trần toàn bộ đệ tử Nga Mi để rồi cuối cùng cũng thành công chọc tức vị trưởng môn khắc nghiệt của Nga Mi khiến bà ta mất bình tĩnh xuất chiêu, chi tiết tuy nhỏ nhưng cũng đủ để thấy sự nhanh nhẹn trong lối tư duy đi một bước, tính mười bước của cô nàng này rồi. Đối với Chu Chỉ Nhược thì cách cô dùng để uy hiếp lại hoàn toàn khác, chỉ đơn giản là dọa rạch mặt hủy dung khiến cô nàng “thánh nữ” Chu Chỉ Nhược phút trước vừa bày ra dáng vẻ thanh cao “xem cái chết nhẹ tựa lông hồng” thì phút sau đã tái mặt run rẩy lộ rõ sự hoảng sợ trước ánh mắt biết tỏng trào phúng của Triệu Mẫn – người hơn ai hết hiểu rõ rằng đối với phụ nữ nhan sắc còn quan trọng hơn tính mạng, thà chết một cách đẹp đẽ còn hơn sống với gương mặt chằng chịt sẹo gớm ghiếc. Và về Trương Vô Kỵ, thật ra vào thời điểm đó anh đối với Triệu Mẫn, bỏ qua một chút rung động thiếu nữ và lòng hiếu kỳ muốn tìm hiểu và kết giao, cơ bản cũng vẫn chỉ là một trong những mục tiêu (về mặt chính trị) mà cô cần thu phục. Với năng lực nhìn một lần là nhớ (qua việc dễ dàng lặp lại tất cả chiêu thức của các nhân vật trong lục đại môn phái chỉ sau một lần quan sát) và khả năng tư duy sắc bén, hẳn là ngay từ lần gặp mặt ở Lục Liễu Sơn Trang Triệu Mẫn đã 8 phần đoán ra được tính cách đa tình, dễ mềm lòng, lại luôn thích thương hoa tiếc ngọc (ngay cả với kẻ thù) của vị tân Giáo chủ Minh giáo này rồi. Từ đó, nàng quận chúa giảo hoạt thạo tâm kế này đã dày công thiết kế riêng một chiến lược tâm lý nhằm thả dây dài câu con cá lớn là vị thiếu hiệp họ Trương đang làm cô cảm thấy vô cùng hứng thú kia.

12-36-46-96-53

Tuy nhiên, thông minh có ngày bị thông minh hại, càng dấn sâu vào “cái bẫy tâm lý” mà mình đặt ra, Triệu Mẫn đã vô tình dần dần tự biến mình thành một con cá thứ hai mà hoàn toàn không hề nhận ra, chuyển biến tâm lý này của cô được biên kịch khéo léo thể hiện bằng một một tình tiết nhỏ nhưng vô cùng tinh tế trong tập 29 của phim – cảnh bóng nắm tay. Khác với các hành động khác nhằm mục đích gây tác động vào tâm lý của Trương Vô Kỵ, việc Triệu Mẫn lặng lẽ để bóng tay mình và bóng tay anh chồng lên nhau in xuống mặt đường đơn thuần chỉ là một hành động nghịch ngợm tự phát, tự mình chơi tự mình vui của cô mà thôi, nhưng cũng chính tính chất “tùy tâm sở dục” của hành động này đã vô tình tố cáo tâm tình đang xao động của nàng thiếu nữ mới lớn khi được sóng bước bên cạnh “crush” của mình :). Về phần Trương Vô Kỵ, sau một loạt hành động tàn nhẫn từ diệt sạch Thiếu Lâm, rồi mượn danh Minh Giáo diệt tiếp Võ Đang, sau là hạ dược bắt giam và sỉ nhục nhân sĩ mấy đại môn phái lớn, của ả yêu nữ Mông Cổ này, người chẳng phải thanh mai trúc mã, cũng chẳng có ân tình chăm sóc gì với anh, lại còn giảo hoạt, đanh đá; về tình lẫn lý rõ là anh chẳng cần gì phải nhân nhượng với cô, vậy mà hết lần này đến lần khác, dù là bị cô ép buộc hoặc do chính mình lựa chọn thì anh vẫn “ngoan ngoãn” thuận theo cô, chưa kể chuỗi hành động theo quán tính của anh từ việc mang theo chiếc hộp trâm cô tặng bên mình, rồi đến khi lỡ dùng nó để đỡ nhát kiếm của cô thì lại áy náy xin lỗi vì làm hỏng, cuối cùng là hứa mang hộp về sửa đều có thể xem là hành vi “khác thường” so với vị thế kẻ-thù-không-đội-trời-chung giữa anh và cô. Điều này chứng minh là Trương Vô Kỵ sau khi trải qua hàng loạt cuộc đối đầu cân não thắng-ít-bại-nhiều với “yêu nữ họ Triệu” kia thì không biết từ bao giờ trong lòng cũng đã dần canh cánh bóng hình của tiểu nha đầu lắm mưu nhiều mẹo đó luôn rồi. Thậm chí, kể từ khi quen biết cô nàng lắm chiêu này, chắc hẳn chàng thiếu niên Vô Kỵ cũng không hề nhận ra rằng thái độ của anh đối với cô sau mỗi lần gặp gỡ, dường như đều giảm đi một phần đề phòng, lại tăng thêm một phần dung túng, từ khởi đầu mơ hồ đến dần rõ ràng hơn, càng lúc càng thân thuộc, càng ngày càng chẳng nỡ buông tay. 

netizen-bu-nhau-cuoi-thanh-nien-truong-vo-ky-lan-dau-biet-hon-da-a07

Tình cảm một khi đã được nhóm lên thì giống như là lửa cháy lan trên đồng cỏ trống, từ lạ đến quen, từ đề phòng đến tri kỷ; hai con người, xuất thân khác biệt, số phận khác biệt; cả chí hướng cũng đối lập nhau nhưng đều cô độc trên con đường của mình cho đến khi gặp được nhau, tuy ở vị thế đối lập nhưng định mệnh trớ trêu lại khiến cho họ thấu hiểu cho nhau sự bất lực trước thời đại loạn lạc lầm than, đồng cảm cho nhau cảm giác thân bất do kỷ khi phải gánh vác trách nhiệm quốc gia dân tộc, và cùng nhau mơ về những ngày tháng an yên bên sông rộng núi dài. Thế rồi họ yêu nhau như một lẽ tất yếu, cho đến khi cả hai nhận ra là không nên tiếp tục thì đã quá muộn để quay đầu, đặc biệt  là khi họ vướng vào một loại tình yêu mang màu sắc cấm ái, càng muốn quên đi lại càng nhớ nhau nhiều hơn, càng bị cấm đoán lại càng khao khát có được, giống như thiêu thân lao mình vào lửa đỏ, bất chấp cả tính mạng chỉ để được ở cạnh nhau.

(còn tiếp)

 

 

 

Leave a comment